Hắc lào và lang ben đều là các bệnh da liễu do nấm nhưng triệu chứng và điều trị có nhiều điểm khác biệt. Phân biệt chính xác hai bệnh lý này để có biện pháp điều trị đúng và hạn chế tái phát.
Mặc dù là những bệnh lý không quá nguy hiểm, tuy nhiên tổn thương da do hắc lào, lang ben gây ngứa ngáy, tác động xấu đến thẩm mỹ, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày và có khả năng lây lan rộng qua tiếp xúc trực tiếp. Cơ chế khởi phát khá giống nhau khiến nhiều người nhầm lẫn không phân biệt được hai bệnh lý dẫn đến điều trị sai lệch.
Phân biệt nguyên nhân gây hắc lào và lang ben
Nguyên nhân gây lang ben
Là do sự phát triển quá mức của nấm Malassezia. Hiện nay đã xác định và phân loại được 12 chủng Malassezia khác nhau, bao gồm: M. sympodialis, M. globosa, M. restricta, M. slooffiae, M. furfur, M. obtusa và mới được phân lập là M. dermatis, M. japonica, M. yamotoensis, M. nana, M. caprae và M. equina.
Nguyên nhân gây hắc lào
Hắc lào là một bệnh da liễu do 3 loài nấm sợi gây ra là: Trichophyton, Epidermophyton, Microsporum. Các chủng nấm sợi có thể lây nhiễm từ đất, từ động vật hoặc người bệnh khác.
Lang ben và hắc lào có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào và dễ khởi phát ở các đối tượng sau:
- Sinh sống ở vùng có khí hậu nóng ẩm thuận lợi cho nấm phát triển
- Người suy giảm hệ miễn dịch
- Người có da nhờn, dầu
- Tiếp xúc với người bệnh hoặc động vật niễm nấm
- Người bị thay đổi hormone, rối loạn nội tiết
- Vệ sinh kém
Triệu chứng phân biệt lang ben và hắc lào
Triệu chứng của lang ben
- Các chủng Malassezia gây lang ben tiết ra azelaic làm chậm tốc độ vận chuyển melanin đến các tế bào thượng bì làm thay đổi sắc tố da khiến da xuất hiện các đốm trắng hoặc vàng, nâu.
- Thỉnh thoảng tổn thương có màu hồng do viêm nhẹ.
- Các tổn thương hình tròn hay hình bầu dục, phẳng, có ranh giới rõ ràng, có thể liên kết với nhau thành mảng lớn.
- Trên tổn thương có vảy da mỏng. Có thể cào nhẹ trên bề mặt để phát hiện vảy da trong trường hợp khó quan sát.
- Vị trí thường gặp là các vùng da tiết bã nhờn nhiều như vùng ngực, liên bả vai, mặt, da đầu, khoeo, bẹn…
- Người bệnh ít khi ngứa hoặc chỉ ngứa nhẹ khi thời tiết nóng bức, đổ nhiều mồ hôi.
- Lang ben không gây đau.
Triệu chứng của hắc lào
- Khi các chủng nấm Microsporum, Trychophyton, Epidermophyton phát triển mạnh sẽ đào thải các chất chuyển hoá, làm tổn thương tầng thượng bì và gây ra các biểu hiện tổn thương da.
- Các loại nấm này cần keratin để phát triển, do vậy chúng không thể gây bệnh ở niêm mạc.
- Các vùng da nhiễm bệnh thường có màu đỏ, bằng phẳng hoặc phù nề so với những vùng da xung quanh.
- Tổn thương hình tròn, ranh giới rõ, bong vảy nhẹ ở giữa và xuất hiện các mụn nước bao quanh, lan rộng theo thời gian.
- Hắc lào không gây đau, nhưng gây ngứa, ngứa tăng nhiều hơn khi đổ mồ hôi.
- Tổn thương thường tập trung tại các vị trí: bàn chân, bẹn, mặt, thân mình.
- Trong một số trường hợp, tổn thương có thể lan rộng toàn thân do sử dụng các thuốc corticoid tại chỗ hoặc người bệnh bị suy giảm miễn dịch.
Hắc lào và lang ben đều tiến triển lành tính, khỏi hoàn toàn nếu áp dụng các biện pháp điều trị đúng cách. Các trường hợp tái phát thường do điều trị không triệt để.
Điều trị hắc lào và lang ben có gì khác nhau?
Hắc lào và lang ben đều là các tổn thương da do nấm, do vậy việc điều trị đều cần sử dụng các thuốc chống nấm tại chỗ hoặc toàn thân tùy vào mức độ bệnh.
Các hoạt chất chống nấm như clotrimazole, ketoconazole, terbinafine… đều được chỉ định vì có tác dụng với cả hai loại bệnh này.
Trường hợp bệnh ở mức độ nhẹ có thể được chỉ định điều trị bằng thuốc bôi ngoài da. Khi các triệu chứng đã được kiểm soát, người bệnh có thể được yêu cầu sử dụng thuốc thêm 1 tuần để tiêu diệt nấm hoàn toàn.
Trường hợp bệnh nặng hoặc không đáp ứng với điều trị tại chỗ, tổn thương lan rộng và tái phát nhiều lần sẽ cần được kết hợp điều trị với các thuốc chống nấm đường uống. Tuy nhiên, thuốc có thể gây độc cho gan và ảnh hưởng đến sức khoẻ nên người bệnh cần tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý uống các thuốc này.
Mặc dù cùng sử dụng các thuốc chống nấm, thời gian điều trị của 2 bệnh lý có những điểm khác biệt rõ rệt.
- Thời gian điều trị lang ben: ngắn hơn, điều trị tại chỗ có thể kéo dài 2 đến 4 tuần tùy mức độ, các thuốc dùng đường uống thường sử dụng khoảng 5 ngày đến 2 tuần.
- Điều trị hắc lào: cần dùng thuốc bôi tại chỗ liên tục kéo dài ít nhất 3 – 4 tuần. Trong trường hợp cần sử dụng các thuốc đường uống, có thể kéo dài 10 ngày – 6 tuần tùy vào loại thuốc và mức độ bệnh.
Với hắc lào gây ngứa ngáy nhiều, khó chịu, bứt rứt, một số loại thuốc kháng histamin như: Cetirizin, Loratadin, Chlorpheniramine… thường được chỉ định để giảm ngứa.
Phòng ngừa hắc lào và lang ben thế nào?
Hắc lào và lang ben đều có khả năng lây nhiễm và tái phát cao khi có các điều kiện thuận lợi. Do đó, bên cạnh việc tuân thủ sử dụng thuốc điều trị, người bệnh cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa và tránh tái phát như sau:
- Giữ vệ sinh cá nhân, tắm với xà phòng diệt khuẩn để làm sạch da, loại bỏ dầu thừa, bã nhờn, nấm…
- Giữ cho da luôn khô thoáng, tránh mặc những trang phục bó sát, ẩm ướt, gây đổ nhiều mồ hôi; nên chọn trang phục thoáng mát, chất liệu thấm hút tốt.
- Tắm rửa sạch sẽ sau khi tập luyện thể thao.
- Không dùng chung đồ dùng cá nhân như khăn tắm, quần áo và vật dụng với người khác, đặc biệt là người mắc các bệnh do nấm gây ra.
- Thường xuyên giặt quần áo, chăn màn, phơi ở nơi có nhiều nắng hoặc sấy khô.
- Vệ sinh nhà cửa thường xuyên loại bỏ nấm mốc, vi khuẩn gây hại.
- Áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh để tăng sức đề kháng, bổ sung các thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất.
- Hạn chế tiếp xúc với vật nuôi. Nếu có nuôi động vật, cần giữ vệ sinh sạch sẽ, thăm khám thường xuyên.
Trên đây là những thông tin giúp bạn phân biệt hắc lào và lang ben, qua đó có những biện pháp phòng chống nhiễm bệnh, hiểu rõ sự khác biệt để tránh điều trị sai cách nếu không may mắc các bệnh lý này.
DS Thanh Loan